Làng Vạn Tải xưa kia có tên là trang Vạn Tải (hay tổng Vạn Tải) huyện Thanh Lâm - phủ Nam Sách, là vùng đất cổ nằm trên dải đất sông Thái Bình bồi đắp, đất đai mầu mỡ, con người đến sinh cư lập nghiệp khá sớm. Do đó Vạn Tải có lịch sử phát triển lâu đời, trong quá trình dựng nước, giữ nước và chinh phục thiên nhiên, những cư dân Vạn Tải đã kế tiếp nhau, đời nọ sang đời kia xây dựng lên một vùng quê trù phú, giàu truyền thống văn hoá và tươi đẹp. Theo sử sách ghi lại Vạn Tải đã từng là phủ lỵ là trung tâm kinh tế, văn hoá của phủ Nam Sách. Đình được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (Hậu lê) thế kỷ XVIII; Đình có 7 gian và 1 vọng cung; được kiến trúc theo kiểu Chữ Đinh, công trình được làm bằng gỗ lim, hoa văn tinh xảo. Đình làng Vạn Tải là nơi thờ vị thần đương cảnh và thờ 2 vị Thành Hoàng làng “Thuận, Tín" có công với Nước, với dân.
Qua bao nhiêu biến thiên của đất trời cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, di tích lịch sử Đình Vạn Tải chỉ còn lưu lại những dấu tích cùng với bia đá. Theo Thần tích được ghi tại văn bia và các tư liệu ở Viện Hán Nôm, Đình Vạn Tải có từ thế kỷ X và được tôn tạo, trùng tu xây dựng khang trang vào thời Nhà Lê Trung Hưng (Hậu Lê).
Các vị anh hùng dân tộc được thờ tại Đình Vạn Tải là: Vị Cung, Vị Thuận, Vị Tín là các anh hùng có công phò vua đánh giặc cứu nước. Vị Cung có công phò tá vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân ở thế kỷ thứ X. Ông là người gốc ở Động Hoa Lư. Cha họ Mục, huý Bộ, mẹ là người trong bản động, họ Trần huý Nguyên. Vợ chồng ăn ở hiền hoà, chất phác, khi đó gặp lúc giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi đất nước, dân chúng lầm than đói khổ. Ông đưa gia đình đến trang Vạn Tải, huyện Thanh Lâm, trấn Nam Sách tránh nạn, được các bô lão và trưởng bản trang Vạn Tải là Trần Công Trí cho phép cư trú. Năm Bính Thân vào giờ Dần tháng Giêng, bà sinh được một người con trai diện mạo khôi kỳ, thân thể cao lớn, mặt mũi tươi tắn như ánh mặt trời. Ông bà đặt tên con là Cung. Đến năm Ngài 14 tuổi thì cha Mục Công mất, từ đó hai mẹ con sống bằng nghề bán dầu nước qua ngày. Khi Đinh Tiên Hoàng khởi binh dẹp loạn 12 sứ quân, tự lên ngôi Hoàng Đế vua sai tướng Nguyễn Bặc đi do thám tình hình loạn quân, khi đi qua trang Vạn Tải Ngài đã theo tướng Nguyễn Bặc đi đánh giặc, phò vua cứu nước. Với tài trí của Ngài đã được vua Đinh Tiên Hoàng trao cho chức: “Chưởng lĩnh bản phủ Tả đạo binh nhung kiêm tán mưu sự" và sai Ngài cùng tướng Nguyễn Bặc đi dẹp loạn 12 sứ quân. Năm 968 dẹp loạn 12 sứ quân thành công nhà vua lên ngôi Hoàng Đế lấy Quốc hiệu là Đại La đóng đô ở Hoa Lư rồi mở tiệc phong thưởng cho công thần, quân sĩ và phong cho ngài chức “Quyền chưởng lĩnh bản phủ Tả đạo binh nhung kiên tán mưu sự Thái bảo thiếu bảo tiền quân". Ban cho vàng bạc, nhung lụa hơn 300 cân, ban ân huệ cho nơi sinh ra Ngài tức trang Vạn Tải. Ngài lạy tạ nhà vua rồi trở về quê hương. Nhà vua ban cho bài thơ rằng:
“Cục độ khoan hồng thao lý thuần,
Thiên tài định thị tảo phùng thì.
Tự tương danh vọng khôi thiên hạ,
Nhất bả anh tài trạch ngã dân.
Âm đức túc trưng lai thế cập,
Nguy khoa đăng trạc nhất thời xuân.
Vĩnh lưu Vạn Tải vô cùng khách,
Hương hoả trường lưu thế thế huân."
Ngài trở về đến bản trang cùng gia thần làm lễ khóc trước mộ cha ở xứ Đống Cao. Sau đó ban thưởng cho dân trang 200 quan thanh tiền, 70 xếp lụa hồng để tỏ rõ ân tình sâu nặng. Đến ngày 21 tháng 11 Ngài đã hoá tại Tẩm cung. Khi Ngài mất nhà vua ban đất Huệ Điền, dựng lăng miếu thờ cúng. Nhà vua ra ân cho dân làng 500 quan tiền làm quỹ cúng hương hoả, xuân thu 2 kỳ quốc tế, miễn việc binh dịch, bao phong Mỹ tự cho Ngài, mãi mãi được hưởng lộc nước, thờ cúng muôn đời.
Phong “Bản phủ linh thông cung mục thượng đẳng phúc thần Đại vương". Sau này trải qua các đời Đế vương: Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê mở mang bờ cõi, củng cố hồng đồ, cầu đảo thần đều rất linh thiêng, nên đều được phong mỹ tự, thờ cúng hương hoả mãi mãi.
Đình Vạn Tải xã Hồng Phong còn thờ 2 vị thần Tả - Hữu (Thuận, Tín). Hai vị Tả - Hữu vốn dòng danh gia vọng tộc thuộc trang Vạn Tải, huyện Thanh Lâm; cha họ Phổ, tên huý là Phụng, mẹ là Phạm Thị Thuần người bản trang. Vợ chồng ông bà là người tốt, gia thế truyền đời nghiệp học, tiếng tăm lẫy lừng. Trải ba bốn đời, cảnh nhà thanh bần, cửa ngõ đơn sơ, ông làm nghề dạy học xa nhà, bà ở nhà chuyên nghề bán gà. Năm Bính Dần vào giờ Dần ngày 12 tháng 8 bà sinh ra được 2 người con trai, mặt sáng, thân hình cao lớn, cha mẹ hết mực yêu thương cho đó là điềm phúc cùng đến do trời ban tặng. Đến năm con 3 tuổi ông bà mới đặt tên cho người con thứ nhất là Thuận, người con thứ 2 là Tín. Năm cả hai 16 tuổi, thông minh dĩnh ngộ, dáng vẻ phong lưu, cha mẹ cho đi học nhưng hai ông không chịu nghe.
Ngày mùng 6 tháng 3 năm Tân Tỵ, thân phụ qua đời. Sau 3 năm cư tang hết lòng đèn hương phụng thờ cha. Ông cả chỉ chuyên tâm làm việc thiện, ông hai lại chuyên lấy đạo thi hành việc xuất xử, họ đều làm theo Thiện Đạo, không làm việc xấu dù chỉ là một chút.
Đến thời vua Trần Nhân Tông niên hiệu Trùng Hưng, giặc Mông Nguyên sang xâm chiếm nước ta, tướng giặc là Ô Mã Nhi chỉ huy. Hai ông đã theo nhà vua đi đánh giặc cứu nước. Khi vua hỏi hai ông rằng: “Thuận dùng để làm gì? Đạo dùng để làm gì?" Hai ông liền tâu: “Thiện sở dĩ là để dẫn dụ lòng người, đạo sở dĩ là để mở mang nhân tính, nên thiện và đạo đó, trên là để thờ vua, dưới là để phụng thờ cha mẹ, đó là cái gốc trăm hạnh của người con, nên phải lấy thiện đạo làm gốc".
Hai ông xin được đi dẹp giặc Mông Nguyên đang hoành hành, được vua phong là: “Quyền chưởng thống lãnh lục hầu Đại tướng quân". Khi tiến quân đến quận Ai Lao, trước tiên là 2 ông lấy thiện đạo để khai dụ giặc Mông Nguyên, và ban cho các quan của chúng tiền vàng, giặc Mông Nguyên thoả mãn đã quy phục. Lúc đánh giặc xong trở về nhà vua lại ban cho bốn chữ vàng là “Tài trúng Trạng Nguyên" và thưởng cho 500 quan và 100 lạng vàng. Hai ông phục ân trở về quê quán, bái yết gia tiên, thưởng cho dân 300 quan tiền.
Ngày 12 tháng 8 năm Mậu Tý khi 2 Ngài đang nhàn du phong thuỷ ở phía Đông Nam khu dân cư thì thấy một gò đất như mắt Rồng, hai ngài đứng lên đó. Trời đất bỗng tối sầm, mưa gió nổi lên, rồi hai Ngài liền tự hoá. Nhân dân trong làng thấy nơi các Ngài hoá thật linh ứng nên sau gọi là đống Mả Thánh.
Khi hai Ngài mất, nhà vua rất buồn đã lệnh cho các đình thần đến hành cung làm lễ và ban cho nhân dân 300 quan tiền tu sửa miếu sở để hương hoả phụng thờ. Lại phong cho mỹ tự, ngàn năm được hưởng cúng tế, cùng đất nước được hưởng sự tốt đẹp, mãi mãi thành lệ. Được nhà Vua phong cho là Hướng thiện cư sĩ Đại vương và Hướng Đạo cư sỹ Đại vương lập miếu sở, để hương hỏa phụng thờ, ngàn năm được hưởng cúng tế, cùng đất nước hưởng sự tốt đẹp. Cho phép trang Vạn Tải, huyện Thanh Lâm làm nơi hộ nhi thang mộc. Nơi các Ngài sinh hoá mãi thờ phụng không dứt.
Ba vị anh hùng dân tộc có công phò vua đánh giặc cứu nước được nhân dân làng Vạn Tải tôn là Thành Hoàng làng và được thờ phụng tại Đình làng. Hàng năm cứ vào các ngày sinh, ngày hoá của các Ngài nhân dân làng Vạn Tải tổ chức Lễ hội, cúng tế để tưởng nhớ tới công lao của 3 vị anh hùng dân tộc. Đại lễ được tổ chức từ ngày 4 tháng Giêng đến mùng 10 tháng Giêng: ngày mồng 4 sửa soạn cho Lễ tế, từ ngày mùng 5 tháng Giêng tổ chức lễ rước Long ngai từ Nghè Hạ (Bồ Đề) về Nghè Thượng (Nghè Ông Voi) rồi rước từ Nghè Thượng về Đình. Sau đó tổ chức Lễ tế theo nghi thức văn hoá dân tộc và phong tục truyền thống địa phương. Đây là Lễ tế tưởng nhớ tới vị Chính (Vị Cung). Ngày 12 tháng 8 tổ chức Lễ tế tưởng nhớ ngày sinh, ngày hoá của vị Tả Hữu (Thuận, Tín). Sau phần tổ chức Lễ tế là phần hội, các hoạt động văn hoá dân gian như: đánh cờ tướng, chọi gà, đua thuyền, đánh đu, hát dân ca.
Đình được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh, thời kỳ Lê Trung Hưng (Hậu Lê). Theo Thần tích được ghi tại văn bia và các tư liệu ở Viện Hán Nôm, Đình Vạn Tải có 7 gian và một vọng cung, phía trước là sân đình rộng lớn và đình ngoài có 5 gian, được làm bằng gỗ lim xanh, tất cả đều quay hướng Bắc nhìn ra cổng Tam Quan, có cây đa cổ thụ, giếng nước. Đình được trùng tu, tôn tạo lại trên nền Đình cũ ngày xưa vẫn với lối kiến trúc kiểu chữ Đinh, với quy mô có 3 gian hậu cung, 5 gian tiền tế, được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, lợp ngói mũi hài và vẫn được trang trí hoa văn họa tiết và sơn giả gỗ. Trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến cấp trên đã chỉ đạo địa phương tháo dỡ ngôi Đình. Hoà bình lập lại (1954) diện tích của di tich Đình Vạn Tải được Nhà nước sử dụng làm kho tư liệu, sau đó là kho dự trữ lương thực Quốc gia. Năm 1993 các cụ Bô lão và nhân dân trong làng Vạn Tải làm đơn gửi lên các cấp đề nghị cho nhân dân làng Vạn Tải được kiến thiết, tôn tạo lại nơi thờ phụng các vị Thành Hoàng làng trên diện tích đất còn lại của di tích đình xưa kia: 1331 m2. Năm 2016, năm 2018 tới năm 2022 dưới sự chung sức đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hồng Phong và đặc biệt là tấm lòng hảo tâm của những người con quê hương Vạn Tải đã góp công, góp của để xây dựng, tu bổ và tôn tạo lại ngôi đình làng Vạn Tải với tổng kinh phí xây dựng là hơn 2,2 tỷ đồng.
Cổ vật còn lưu giữ lại là 2 văn bia khắc ghi thần tích của 3 vị anh hùng dân tộc là Thành hoàng làng. Văn bia do Đông các Đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn và niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572). Quản giám Bách thần tri điện hùng lãnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao theo bản chính niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737).
Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, trường tồn, ngày 07/12/2013 đình Vạn Tải, xã Hồng Phong đã được chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 435/QĐ-UBND công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.